"Chiến bình Cầu vồng" - Tác giả: Andrea Hirata
Cuốn sách nhỏ bé nhưng chứa đựng nghị lưc phi thường của 10 đứa trẻ nghèo đói nhưng mạnh mẽ, của một người cha làm nghề đánh cá cơ cực nhưng quyết tâm cho con trai đi học, của một người thầy yêu nghề đến tận lúc chết.
Trong tâm hồn mỗi con người, ai cũng vậy, đều có những mảng sáng, tối hoặc cái gì đó tương tự thế. Định nghĩa nó là sáng hay tối là do quan điểm của mỗi người.
Tâm hồn tôi có lẽ là một bảng ghép sắc màu, có chính xác bao nhiêu mảnh ghép chắc tôi cũng không thể đếm hết được. Tôi chỉ biết rằng, mảnh ghép màu Xanh da trời- màu mà tôi yêu thích nhất- tôi trân trọng đặt ở một nơi đầy yêu thương, đó là dành cho Gia đình - bố, mẹ và em trai. Mảnh ghép màu hồng, màu của hạnh phúc và tình yêu, tôi cẩn thận đặt ngay cạnh miếng ghép Gia đình, tôi dành cho mái ấm nhỏ đầy yêu thương với chồng, một người bạn lớn từ thuở thanh mai trúc mã, và hai thiên thần nhỏ. Mảnh ghép màu trắng tinh khôi và khờ dại, tôi dành cho bạn bè thuở thiếu thời, một mảng sắc màu tinh khiết và tràn ngập kí ức trong sáng. Ngoài ra, một mảng sắc màu nuôi dưỡng cho tâm hồn tôi, nó chiếm một phần rất lớn và quan trọng, đó là mảnh ghép màu đỏ, màu của tình đồng nghiệp và tình thầy trò thân thương tôi đã có tại ngôi trường đầy kỉ niệm- Đoàn Thị Điểm trong tôi. Và còn có rất rất nhiều các mảnh ghép đa sắc màu khác mà tôi đã cóp nhặt được trên bước đường tôi đang đi.
Vừa mới đây thôi, một mảnh ghép tâm hồn nữa tôi lại lượm lặt được khi tôi đọc cuốn sách CHIẾN BINH CẦU VỒNG của tác giả Andrea Hirata, một tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia. Cuốn sách lại đưa tôi về miền kí ức tuổi thơ, khi tôi được miệt mài rong chơi mà chẳng phải lo nghĩ điều gì. Tôi rất luyến tiếc tuổi thơ của mình, dù những buổi dang nắng ban trưa đó đã trôi vào ngày cũ từ lâu lắm rồi. Và thế, những trang viết về tuổi thơ đối với tôi bao giờ cũng có một sức hút đặc biệt.
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”
Câu văn ấy của Thanh Tịnh đã đi theo tôi và biết bao đứa bạn cùng trang lứa từ khi chúng tôi mới chỉ là những nhóc tì thò lò mũi xanh.
“Chiến Binh Cầu Vồng” là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên đảo Belitong, một hòn đảo nhỏ xinh đẹp nằm ở phía Tây Indonesia. Những đứa trẻ ấy sinh ra với cái nghèo, với sự lam lũ của người bản địa nếu không phải cu li cho công ty khai thác thiếc thì cũng là ngư dân bữa được bữa mất trông chờ cả vào biển khơi.
Một ngôi trường tơi tả. Một cô giáo mười lăm tuổi mới tốt nghiệp trường nghề, cô Muslimah, và vị hiệu trưởng Harfan lam lũ luôn chật vật, tất tả cùng mười đứa học sinh lôi thôi nhếch nhác. Những giờ học mà lỡ trời có mưa thì cô giáo che tàu lá chuối trên đầu đứng giảng. Cậu học sinh thấp bé lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng 40 km ngang qua khu đầm lầy đầy cá sấu, đi về mỗi ngày để tới trường… Có như vậy mới thấy khát khao được học, khát khao được hiểu biết, khát khao có thể thoát khỏi sự ngu dốt, nghèo đói đã cháy lên nồng nhiệt biết chừng nào.
Cuốn sách nhỏ bé nhưng chứa đựng nghị lưc phi thường của 10 đứa trẻ nghèo đói nhưng mạnh mẽ, của một người cha làm nghề đánh cá cơ cực nhưng quyết tâm cho con trai đi học, của một người thầy yêu nghề đến tận lúc chết. Tất cả những mảnh ghép không hoàn hảo ấy của cuộc đời khi đứng lại với nhau lại tạo nên một kiệt tác. Chưa bao giờ tôi thấy có những đứa trẻ trong sáng đến thế, có nhiều ước mơ đến thế và đặc biệt hơn là dũng cảm đến như thế. 10 đứa trẻ, tự tung hô nhau với cái tên “Chiến binh cầu vồng”. Những chiến binh mạnh mẽ dũng cảm xây dựng nên những cầu vồng hào nhoáng của giấc mơ.
Cậu nhóc Trapani đẹp trai, sáng sủa với ươc mơ được làm thầy giáo cuối cùng lại trở thành một bệnh nhân tâm thần. Không những không thực hiện được ước mơ, hiện thực đã vùi dập, đẩy Trapani trở thành một tàn dư của xã hội. Thật đau lòng biết bao!
Mahar, một thiên tài não phải với những sáng tạo nghệ thuật vô cùng độc đáo cũng chẳng thể thoát khỏi định mệnh xoay vần. Sự ác nghiệt của xã hội đã khiến Mahar đi theo con đường sùng bái tôn giáo một cách mù quáng, chẳng thể nào phát triển được tài năng của cậu. Đáng lẽ ra, Mahar đã phải trở thành một con người vĩ đại hơn thế, có lẽ nó sẽ nhận được giải Oscar, đáng lẽ ra…
Lintang – một thần đồng, là linh hồn của cả câu chuyện đối với tôi- một cậu nhóc làng chài sống trong một gia đình 14 nhân khẩu và ngoại trừ ba của Lintang thì tất cả đã không còn khả năng lao động. Vậy mà cậu bé ấy lại là một thần đồng hiếm thấy trên đất nước Indonesia ấy. Nhưng sẽ chẳng ai có thể biết điều này cả vì cậu đã phải bỏ học để nuôi gia đình khi ba cậu mất, và khi ấy chỉ cách ngày tốt nghiệp tiểu học có ba tháng. Một cậu bé đã từng nói “Đừng bao giờ bỏ cuộc” và “Chúng ta phải biết ước mơ” cuối cùng đã từ bỏ ước mơ của chính mình. Mất đi Lintang những chiến binh cầu vồng như mất đi thủ lĩnh. “Chúng tôi đã khuỵu xuống vì một kẻ thù vô hình, mạnh nhất, độc ác nhất, vô nhân tính nhất và khó chống lại nhất. Như một khối u ác tính nó gặm dần những học sinh, những thầy cô giáo, và ngay cả chính hệ thống giáo dục. Kẻ thù đó là chủ nghĩa thực dụng.”
Tôi thương thằng Kucai ghê, cái thằng bất đắc dĩ phải làm “lãnh đạo” của chín đứa con nhà cu li đến quỷ sứ cũng chào thua ấy, mà nỗi lo “sẽ được thưởng phạt công minh ở thế giới bên kia” theo lời của cô Mus lúc nào cũng canh cánh thường trực.
Dưới mái trường học xiêu vẹo chực đổ sụp bất cứ lúc nào này, niềm vui luôn hiện hữu. Đó là niềm vui của Harun - cậu bé bị hội chứng Down - khi ngày ngày được ngắm nhìn thần tượng Trapani của mình; niềm vui của Ikal khi mỗi tuần học được thêm vài chữ cái; niềm vui của Lintang khi thực hiện được lời hứa điền chữ vào cái đơn, bảo vệ thành công danh dự cho người cha thất học; niềm vui của cả bọn khi nghe những thảm họa âm nhạc đua nhau cất tiếng trong giờ học hát...
Tôi cảm thấy trong nghèo khó, bọn trẻ học trường làng trên đảo Belitong vẫn thật may mắn. Điều kiện vật chất thiếu thốn hết mức có thể, cái mà những đứa con nhà cu li nhận được chính là tất cả mọi khả năng về kiến thức và tình yêu vô điều kiện của cô Mus và thầy Harfan. Chúng được trân trọng, yêu thương, được phát huy thế mạnh và sống đúng với những gì mình có.
Không đứa trẻ nào không yêu thầy Harfan và cô Mus, bởi thầy và cô cũng sẽ sẵn sàng dành tặng một tình yêu còn lớn hơn cho chúng nữa.
Ngôi trường nghèo ấy vẫn có những khía cạnh thật đáng để chúng ta mơ ước, phải không bạn!
Bạn có biết cầu vồng chúng ta nhìn thấy sau những cơn mưa kì thực không chỉ có bảy màu? Khi ngắm nhìn dải cầu vồng ánh lên từ cuốn sách, tôi biết chúng còn những màu khác. Ngoài những màu như: Màu tím: trời tuổi thơ rực rỡ, Màu chàm: cuộc sống thật đáng yêu, Màu lam: tình thầy trò ấm áp, Màu lục: tình bạn chân thành, Màu vàng: tình yêu trong veo..., Màu cam: tình cảm gia đình thiêng liêng và cảm động, Màu đỏ: lòng dũng cảm của những chiến binh.
Cái đầu mơ mộng làm nên kì tích nghệ thuật của Mahar giống màu hồng. Cái đầu thông thái làm nên kì tích trí tuệ của Lintang giống màu xanh lá. Niềm tin vững chắc của cô Mus vào sự trở lại của Kucai, Samson, A Kiong... sau khi chúng bỏ học đi làm thuê là màu xanh da trời, màu xanh hi vọng. Còn màu trắng - hội tụ của các màu - là tất thảy những chiến binh dũng mãnh đó. Họ đã “cùng nhau làm nên dải cầu vồng đẹp nhất thế gian này”. Thật sự là đẹp nhất!
Người giới thiệu: Cô giáo Trần Thị Tuyết