Báo điện tử Đại biểu Nhân dân: VNEN - Nhìn từ một số quan điểm ngoài dự án

Báo điện tử Đại biểu Nhân dân: VNEN - Nhìn từ một số quan điểm ngoài dự án

Báo điện tử Đại biểu Nhân dân

VNEN: Nhìn từ một số quan điểm ngoài dự án

03:01 18/10/2017

Trong khi không ít giáo viên, phụ huynh tỏ ra phủ nhận hoàn toàn vai trò, ý nghĩa tích cực của VNEN thì không ít trường vẫn coi VNEN là “kim chỉ nam” cho hoạt động dạy học của thầy và trò.

Tạo môi trường học tập hấp dẫn

Bản chất của “phương pháp dạy học VNEN” là trong mỗi bài học đều nhấn mạnh đến hoạt động học cá nhân để kiến thức thu được là chắc chắn, tin tưởng, nhưng cùng với đó và sau đó, học sinh cần phải thảo luận với bạn ngồi bên, thảo luận theo nhóm và có thể thảo luận toàn lớp, qua đó học sinh được rèn luyện khả năng tự học và nhiều kĩ năng khác, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập, kiến thức thu được sẽ trở nên chính xác và hoàn thiện. Nếu học sinh không thể “chốt” được kiến thức thì cuối cùng giáo viên phải "chốt" kiến thức, đảm bảo cho mọi học sinh trong lớp tiếp thu, ghi được kiến thức và vận dụng. Như vậy bản chất của phương pháp này là học cá nhân, kết hợp học tương tác, trong đó học cá nhân là quyết định, trao đổi với bạn bên cạnh là cần thiết, thảo luận nhóm là quan trọng, thảo luận cả lớp nếu có điều kiện. Nếu học sinh quá đông, giáo viên sẽ khó làm tốt vai trò của mìnhtrong việc tổ chức học theo nhóm.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nga, Phó hiệu trưởng THCS Đoàn Thị Điểm cho rằng, vì là trường tư thục không thuộc đối tượng thí điểm của dự án cũng như là cấp 2 nhưng tại đây, phương pháp giáo dục chính của nhà trường là theo hướng lấy học sinh làm trung tâm bằng việc tổ chức hoạt động theo nhóm. Giáo viên khơi gợi, học sinh chủ động đưa ra quan điểm của mình trước một vấn đề được đưa ra… Cô giáo Nguyễn Tô Phượng, dạy bộ môn Sinh học tại trường THPT Đoàn Thị Điểm cũng cho rằng, trong mỗi tiết học tôi luôn xác định mình cần là người định hướng, gần gũi và gây hứng cho học sinh. Do đó, mỗi tiết dạy giáo viên cần biến môi trường lớp học thật sự hấp dẫn để học sinh chủ động phát biểu thể hiện quan điểm của mình. Việc tổ chức thành nhóm cũng là một trong những cách thức cần thiết giúp học trò có thể tập trung trao đổi thảo luận sâu các vấn đề, chuyên đề mà giáo viên giao cho.

Cô giáo Lê Thị Bằng Giang, giáo viên dạy môn Văn tại Trường Dân tộc Nội trú Thái Nguyên cũng rất thích thú với tinh thần dạy học phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh từ VNEN. Cô giáo cho biết, với mỗi giáo viên, khi coi học sinh là trung tâm của hoạt động dạy học sẽ giúp các em thể hiện được tính tích cực chủ động của mình. Và mặc dù là giáo viên cấp 3, nhà trường cũng không tổ chức dạy theo mô hình VNEN nhưng nhiều năm nay cô vẫn tự trang bị cho mình một tâm thế dạy học theo tinh thần phát huy tính tích cực của VNEN. Theo đó, mỗi tiết học của cô luôn hấp dẫn, giúp học sinh tự tin thể hiện nhận định quan điểm của mình.

Lý giải vì việc theo đuổi phương pháp dạy học của mô hình VNEN, những giáo viên này đều cho biết, phương pháp dạy học này đã phá bỏ được phương pháp dạy học thụ động của truyền thống. Và phương pháp dạy học này cũng phù hợp với tinh thần đổi mới phương pháp dạy và học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực vượt qua phương pháp truyền thống cũ. Đem luồng gió mới cho nền giáo dục Việt Nam đã tỏ ra lạc hậu và kém hiệu quả trong suốt thời gian qua.

Nhà trường và giáo viên cần tích cực

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết, mặc dù chương trình học luôn bám sát chương trình của phòng và Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội song chúng tôi luôn chú trọng việc nâng cao trình độ của giáo viên, bắt kịp với xu thế giảng dạy mới, cập nhật, nâng cao kiến thức thường xuyên. Điều đầu tiên, chúng tôi luôn ứng dụng phần mềm  để đưa vào trường học trực tuyến liên tục cập nhật kiến thức mới. 

Theo đó, mỗi giáo viên đều có tài khoản riêng để cập nhật những kiến thức liên quan đến bộ môn của mình.Bởi điều quan trọng nhất là giáo viên luôn phải trăn trở truyền tải kiến thức như thế nào để học sinh có thể tiếp nhận kiến thức tốt nhất.Việc đầu tư thời gian công sức cho mỗi tiết dạy sẽ khá công phu, đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của giáo viên. Đôi khi chúng tôi phải làm việc với 200% công suất mới đáp ứng được yêu cầu của việc dạy học tích cực.

Do đó, thay đổi theo hướng dạy học tích cực thì chính bản thân người giáo viên phải tích cực, cô giáo Lê Thị Bằng Giang nhấn mạnh. Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố kết quả đánh giá tác động của mô hình trường học mới tại Việt Nam,  tất cả cha mẹ học sinh có con học ở trường VNEN hay các trường học nhóm đối chứng đều được hỏi liệu họ có biết VNEN không. Kết quả, chỉ hơn một nửa trong số 6.000 cha mẹ học sinh được hỏi cho rằng họ đã biết về VNEN.Ngoài ra, báo cáo này cũng nhận định, một số thách thức cho việc thực hiện VNEN bao gồm sự bảo thủ trong quan điểm truyền thống ở một số giáo viên, trình độ tiếng Việt còn hạn chế của học sinh dân tộc thiểu số và tình trạng thiếu khả năng ở một số cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ học tập cho con cái. Nhưng chính NQ88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông yêu cầu phải khắc phục các khó khăn này.

Như vậy, có thể thấy, nếu mô hình trường học mới VNEN có được sự truyền thông cụ thể rõ nét hơn tới cộng đồng, phụ huynh, học sinh và chính bản thân mỗi nhà trường, giáo viên sẽ là cơ hội tốt để mô hình này thay thế phương pháp dạy truyền thống, phù hợp với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo và NQ 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Mô hình trường học mới VNEN nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Mô hình này có một số đặc điểm nổi bật như: Hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Giáo viên giữ vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm soát quá trình và kết quả học, quan tâm đến từng cá nhân học sinh trong việc tiếp thu kiến thức. Việc đánh giá học sinh thường xuyên theo quá trình học tập nhằm kiểm tra và hướng dẫn phương pháp học tập có hiệu quả.

                                                                                                              Đinh Loan

Lượt xem: 464
Giới thiệu

TRƯỜNG THCS &THPT ĐOÀN THỊ ĐIỂM Cơ sở 1:  Khu đô thị - phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm- Hà Nội Cơ sở 2 : Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm- Hà Nội Website: thptdoanthidiem.edu.vn Điện thoại: 04.62872448- 04.66744699 Hiệu trưởng : PGS.TS NGƯT Đặng Quốc Thống

Liên kết website
Số lượt người truy cập
Hôm nay : 4