Tổ chức tiêm phòng Sởi-Rubella cho HS tại CS 1 trường THCS Đoàn Thị Điểm
Bệnh Sởi và bệnh Rubella là hai loại bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm với con người. Đây là hai bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi rút sởi và vi rút Rubella gây ra. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và gây thành dịch.
Biểu hiện chính của bệnh sởi và bệnh Rubella gần giống nhau như: sốt, phát ban, ho, chảy nước mũi… Người nhiễm Rubella có thể sưng hạch cổ, sau tai, dưới chẩm hoặc sưng đau khớp. Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em do các biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy nặng và suy dinh dưỡng. Bà mẹ nhiễm vi rút rubella trong giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai có thể gây hậu quả nguy hiểm cho thai nhi như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, dị tật tim, đục thủy tinh thể, mù lòa, chậm phát triển… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi.
Sởi và Rubella hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên tiêm vắc xin Sởi – Rubella là cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Vắc xin sởi – Rubella là vắc xin an toàn, thông thường sau khi tiêm chỉ có phản ứng nhẹ như sốt, nổi ban rải rác và tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên cần đến cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường sau tiêm như sốt ≥ 38oC, tím tái, khó thở…
Cùng với cả nước, chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi - Rubella cho HS trường THCS Đoàn Thị Điểm đã được tiến hành đợt 1 vào các ngày 20 và 22 tháng 01 năm 2015. Công tác tiêm phòng được thực hiện đúng quy định chuyên môn của ngành Y tế và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong ngày tiêm, nhà trường đã bố trí phòng chờ cách biệt, tạo tâm lý thân thiện giảm lo sợ căng thẳng cho các con khi tiêm, sau khi tiêm các con đều được theo dõi 30 phút trước khi về lớp.
Học sinh đang được tiêm vắc xin trong đợt 1
Trong ngày 30/ 01/ 2015 tới đây, nhà trường phối hợp cùng trạm y tế phường Cầu Diễn sẽ tổ chức tiêm vắc xin đợt 2 tại cơ sở 1 cho những học sinh chưa được tiêm trong đợt 1 và chưa được tiêm phòng trước đây. Để đảm bảo công tác tiêm phòng cho học sinh đạt kết quả tốt, kính đề nghị quý vị phụ huynh lưu ý:
* Trước khi tiêm chủng: Điền đầy đủ thông tin vào phiếu điều tra thông tin tiêm chủng đã được gửi về gia đình và nộp lại cho GVCN lớp vào ngày 28/ 01/ 2015, nắm được lịch tiêm của con em mình. Trong ngày tiêm, cần cho các con ăn no trước khi tiêm chủng.
* Sau khi tiêm chủng: Theo dõi và chăm sóc con em mình tại nhà trong vòng 1 đến 2 ngày sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, dị ứng nổi mề đay, phát ban … Cần đưa ngay con em mình đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao ≥ 38oC, khó thở, tím tái, phát ban…
* Đối với học sinh, trước khi tiêm các con học sinh cũng cần lưu ý chủ động thông báo về tình hình sức khỏe của mình như đang sốt, đang bệnh, đang điều trị, có tiền sử dị ứng. Sau khi tiêm phòng các con cần phải chú ý: Ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có bất thường xảy ra. Không đắp bất cứ thứ gì nên vị trí tiêm.
* Đối với giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô chủ nhiệm cần nắm được lịch tiêm của lớp mình, phát giấy mời đến phụ huynh học sinh và theo dõi các em trước và sau khi tiêm trong thời gian các em học tập và sinh hoạt tại trường nếu có phản ứng bất thường thì báo cho bộ phận y tế để kịp thời xử trí.
BAN GIÁM HIỆU